KHOA HỌC CÔNG NGHỆ


Hội thảo “Thực tế chuyên môn với việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học”

01/09/2020 09:14 — 2322
Khẳng định giá trị, ý nghĩa của công tác thực tế chuyên môn đối với hoạt động đào tạo đại học, ngày 29/8/2020, trường ĐH Thủ Dầu Một đã tổ chức diễn đàn khoa học trực tuyến với chủ đề “Thực tế chuyên môn với việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học”.

Hội thảo đã quy tụ 40 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, đến từ nhiều trường đại học và học viện trong nước, như: trường ĐH Thủ Dầu Một, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, trường ĐH Khoa học Huế, trường ĐH Kinh tế - Tài chính Tp.HCM, trường ĐH Nguyễn Huệ, trường ĐH Thủy Lợi,... Trên tiêu chí hội thảo, BTC đã tổ  chức phản biện, biên tập  20 bài nghiên cứu có giá trị khoa học cao để đưa vào kỷ yếu hội thảo.

Tại điểm cầu chính, PGS. TS Hoàng Trọng Quyền – Phó Hiệu trưởng đã phát biểu về tầm quan trọng của công tác thực tế chuyên môn đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Hoạt động này được xem là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên, đồng thời là tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng đào tạo của các trường đại học. Đối với giảng viên, thực tế chuyên môn nhằm kiểm chứng và thu thập thông tin, tư liệu… đưa vào bài giảng để nâng cao chất lượng môn học. Đối với sinh viên, thực tế chuyên môn (thực tập chuyên môn) là quá trình người học đem những kiến thức đã được trang bị thâm nhập thực tế thông qua chuyên ngành được đào tạo để từ đó điều chỉnh quá trình tự học của mình. PGS.TS Hoàng Trọng Quyền tin tưởng, những ý kiến trao đổi, đề xuất tại hội thảo sẽ có giá trị cao cả về mặt lý luận và thực tiễn, qua đó góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức hoạt động thực tế chuyên môn, đặc biệt là trong hoạt động nghề nghiệp của cán bộ, giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học.

Từ chủ đề đặt ra, 06 tham luận tiêu biểu đã được lựa chọn trình bày tại hội thảo. Cụ thể, ThS. Nguyễn Thị Xuân Hạnh – Giảng viên trường ĐH Thủ Dầu Một đã mở đầu chủ đề hội thảo bằng việc nêu lên tầm quan trọng của công tác thực tế chuyên môn khi đóng góp vào thành công trong quá trình hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. ThS cho rằng, thực tế chuyên môn là thước đo để đánh giá năng lực giảng viên trong giảng dạy, nghiên cứu và tương tác với các cộng đồng, tổ chức bên ngoài nhà trường. Hoạt động này còn giúp cho người giảng viên có thể cập nhật nhiều ý tưởng phong phú ở các lĩnh vực liên quan gần với chuyên môn, từ đó có định hướng nghiên cứu khoa học cho bản thân theo hướng đa ngành đa lĩnh vực, đồng thời giúp ích cho việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu đạt được những kết quả tốt về học thuật.

“Đóng góp của thực tế chuyên môn với hoạt động nghiên cứu và giảng dạy của giảng viên” là chủ đề nghiên cứu của nhóm tác giả ThS. Dương Tấn Giàu, Đào Thị Mộng Ngọc đến từ trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Trên cơ sở trình bày quan niệm về thực tế chuyên môn, bài nghiên cứu đề cập đến đóng góp của hoạt động thực tế chuyên môn với việc nghiên cứu và giảng dạy của giảng viên trên bốn khía cạnh: cung cấp tư liệu trong hoạt động nghiên cứu khoa học, giúp nhận thức thấu đáo hơn trong các vấn đề chuyên môn, có nhiều “xúc cảm” hơn cho bài giảng trên lớp và tổ chức các hoạt động học tập.

Đồng quan điểm khi cho rằng, các trường đại học ngày càng chú trọng hơn về việc tổ chức cho sinh viên đi thực tế chuyên môn với mục đích giúp sinh viên được trải nghiệm, rèn luyện và phát triển bản thân, nhóm tác giả Cao Thị Châu Thủy, Nguyễn Duy Mộng Hà, Nguyễn Thị Vân Anh đến từ trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đã trình bày nghiên cứu về thực trạng sử dụng kết quả khảo sát người học trong thực tế chuyên môn để nâng cao chất lượng giáo dục. Từ chủ đề bài nghiên cứu, nhóm tác giả đã đề xuất các biện pháp góp phần giúp các cơ sở giáo dục thực hiện tốt việc sử dụng ý kiến người học về thực tế chuyên môn để nâng cao chất lượng đào tạo.

Bằng kinh nghiệm giảng dạy các môn khoa học Mác – Lênin nói chung và Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, tác giả Trần Trung Chung – Giảng viên trường ĐH Thủ Dầu Một đã làm rõ sự cần thiết phải thực hiện nghiên cứu thực tế chuyên môn, những yêu cầu đặt ra từ nghiên cứu thực tế chuyên môn phục vụ giảng dạy tại trường Đại học Thủ Dầu Một hiện nay.

Trình bày tham luận “Một vài nhận định và đề xuất giải pháp về thực trạng của sinh viên tại doanh nghiệp”, TS Kiều Lê Công Sơn – trường ĐH Lao động – Xã hội đã phản ánh thực trạng hoạt động thực tập của sinh viên năm cuối tại doanh nghiệp. Qua đó, đề xuất những giải pháp nhằm giúp sinh viên có đủ tự tin, phẩm chất và kiến thức thực tế khi bước vào môi trường làm việc thực tế của chuyên ngành học. Bài viết cũng tập trung đưa ra một số khuyến nghị cho cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong quá trình phối hợp tổ chức hoạt động thực tập, thực tế đạt hiệu quả cao.

Đóng góp giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thực tế chuyên môn khi giảng dạy các môn Lý luận chính trị, ThS. Lương Thị Hải Thảo – Giảng viên trường ĐH Thủ Dầu Một đã chia sẻ cùng hội thảo về bài học kinh nghiệm từ hoạt động thực tế chuyên môn của giảng viên giảng dạy môn Lý luận chính trị tại trường ĐH Thủ Dầu Một.

Đúc kết các ý kiến trao đổi tại hội thảo, các đại biểu tham dự, tác giả tham luận đồng thuận cho rằng, trong công tác giảng dạy, giảng viên ngoài việc cung cấp cho sinh viên những nội dung cơ bản của môn học, còn phải lồng ghép những kiến thức giảng dạy vào thực tiễn cuộc sống, làm cho những lý thuyết mà sinh viên hấp thụ phải sống được với thực tiễn, tránh việc trang bị những phần kiến thức lỗi thời. Để làm tốt điều đó, đòi hỏi giảng viên và sinh viên phải phải thường xuyên thâm nhập vào thực tế thông qua các chương trình, các học phần thực tế chuyên môn bắt buộc.

PGS. TS Hoàng Trọng Quyền – Phó Hiệu trưởng đã phát biểu về tầm quan trọng của công tác thực tế chuyên môn đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học

Các kết quả nghiên cứu được công bố, cùng những ý kiến trao đổi, đề xuất tại hội thảo sẽ có giá trị cao cả về mặt lý luận và thực tiễn, qua đó góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức hoạt động thực tế chuyên môn, đặc biệt là trong hoạt động nghề nghiệp của cán bộ, giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học
Tin BBT; Ảnh: ThS. Trần Thị Thủy

Bài đăng cùng chủ đề