KHOA HỌC CÔNG NGHỆ


Hội thảo “Phát triển năng lực nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng cho giáo viên THPT”

16/05/2022 15:27 — 885
Hội thảo là diễn đàn cung cấp thông tin, tư liệu khoa học chỉ ra những tồn tại trong thực hiện nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của các trường THPT, đồng thời đề xuất các biện pháp góp phần cải tiến chất lượng nghiên cứu khoa học sư phạm (NCKH SPUD) ứng dụng cho đội ngũ giáo viên ở các trường THPT.

Ngày 14/5/2022, trường ĐH Thủ Dầu Một đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển năng lực nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng cho giáo viên THPT”. Chủ đề hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, cán bộ quản lý, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, đại diện các Phòng Giáo dục huyện, thị, thành phố, đại diện BGH các trường THPT trên địa bàn tỉnh, các nhà khoa học, quý thầy cô, các học viên cao học.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một cho biết, trong những năm qua, số lượng giáo viên tại các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh Bình Dương theo học sau đại học ngày càng tăng. Tính đến hết năm học 2019-2020, con số đã đạt 280 giáo viên trên tổng số 1565 giáo viên của 28 trường THPT. Đây thực sự là dấu hiệu tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trung học phổ thông của tỉnh nhà. Tuy nhiên, theo thống kê chỉ có 18 đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng được nghiệm thu trong năm học 2019-2020. Trong 3 năm học gần đây nhất, số lượng đề tài NCKH SPUD chưa đạt 20 đề tài/năm, sáng kiến kinh nghiệm thì dao động 150 sáng kiến/năm, kết quả này còn rất hạn chế với tiềm lực NCKH của giáo viên các trường THPT, đặc biệt là số giáo viên có trình độ sau đại học. Chính vì vậy, hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý đi sâu tìm hiểu, đánh giá, tìm ra được giải pháp đột phá trong việc thúc đẩy NCKH, nâng cao hiệu quả giáo dục thực chất ở bậc THPT.

Đóng góp hơn 30 tham luận, cùng ý kiến trao đổi tại hội thảo, các tác giả, đại biểu tham dự đã nêu lên những kinh nghiệm từ các cơ sở giáo dục trong nước và thế giới trong việc tổ chức thực hiện hoạt động NCKH SPUD tại các trường THPT. Qua đó, đưa ra các đánh giá xác thực thực trạng tổ chức thực hiện nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng ở các trường THPT hiện nay về: hình thức, nội dung, quy trình, tiêu chí đánh giá, các điều kiện thực hiện NCKH SPUD… Các đại biểu chỉ ra rằng, năng lực nghiên cứu khoa học giáo dục ở giáo viên phổ thông hiện nay chưa cao, thậm chí phần lớn giáo viên thực hiện hoạt động này một cách hình thức. Giáo viên thiếu hụt rất lớn các vấn đề liên quan đến tri thức, kỹ năng thực hiện nghiên cứu và thái độ, niềm tin đối với nghiên cứu vẫn còn ở mức chưa cao,… Đáp ứng mục tiêu hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động NCKH SPUD, như: tăng cường tổ chức khóa bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiên cứu; nội dung nghiên cứu bám sát xu hướng giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập; thiết lập và duy trì mối quan hệ giữa các cơ sở giáo dục, các trường đại học, viện nghiên cứu để yêu cầu sự giúp đỡ từ các chuyên gia trong việc hỗ trợ giáo viên thực hiện nghiên cứu,…

“Các kết quả nghiên cứu, trao đổi, tìm kiếm các giải pháp tại hội thảo đã góp phần giúp cho giáo viên, cán bộ quản lý nhìn lại quá trình để tự điều chỉnh phương pháp dạy và học, phương pháp giáo dục học sinh cho phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. Từ đó, nâng cao về năng lực chuyên môn, nâng cao khả năng giải quyết vấn đề và đưa ra các quyết định trong giảng dạy vì nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng tạo cơ sở vững chắc cho việc thay đổi những hạn chế, yếu kém của hiện trạng giáo dục (trong phạm vi hẹp, môn học, lớp học, trường học…), góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục THPT” – TS. Trần Văn Trung – Giám đốc Viện Đào tạo Sau đại học tổng luận.

Chủ đề hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, cán bộ quản lý, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, đại diện các Phòng Giáo dục huyện, thị, thành phố, đại diện BGH các trường THPT trên địa bàn tỉnh, các nhà khoa học, quý thầy cô, các học viên cao học

TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một  phát biểu khai mạc hội thảo

TS. Trần Văn Trung trình bày tham luận "
Thực trạng kỹ năng nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của giáo viên trường trung học phổ thông tỉnh Bình Dương" tại hội thảo

ThS. Nguyễn Hoàng Thiện trình bày tham luận “Nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của giáo viên trên thế giới”

Các kết quả nghiên cứu, trao đổi, tìm kiếm các giải pháp tại hội thảo đã góp phần giúp cho giáo viên, cán bộ quản lý nhìn lại quá trình để tự điều chỉnh phương pháp dạy và học, phương pháp giáo dục học sinh cho phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh cụ thể
BBT



Bài đăng cùng chủ đề