KHOA HỌC CÔNG NGHỆ


Hội thảo khoa học “Sơn Nam với văn học và văn hóa Nam Bộ”

01/07/2019 15:13 — 1228
Những ký ức về tâm hồn người Nam Bộ qua các tác phẩm văn học, văn hóa của Sơn Nam đã được nghiên cứu trình bày tại hội thảo khoa học “Sơn Nam với văn học và văn hóa Nam Bộ”, diễn ra tại Đại học Thủ Dầu Một vào ngày 28/6/2019.

Hội thảo với chủ đề “Sơn Nam với văn học và văn hóa Nam Bộ” do trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức đã góp phần tạo nên không gian học thuật, giúp cho các nhà giáo, nhà nghiên cứu gặp gỡ, thảo luận, tìm hiểu những nghiên cứu mới về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác, nghiên cứu của Sơn Nam đối với văn học và văn hóa vùng đất Nam Bộ. Theo tên gọi của chủ đề, hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận thuộc các chuyên ngành văn học, văn hóa, lịch sử, tôn giáo… đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu như: Đại học Thủ Dầu Một, Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Sài Gòn, Đại học Tiền Giang, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.

Phát biểu tại hội thảo, TS.Tạ Anh Thư – Phó Trưởng khoa KHXH&NV khẳng định, nhà văn Sơn Nam là một trong những tên tuổi lớn của văn học và văn hóa Nam Bộ, các di sản sáng tác, biên khảo biên soạn của nhà văn Sơn Nam luôn được những nhà nghiên cứu đi sau sử dụng như nguồn tư liệu quý. “Tìm hiểu, nghiên cứu các tác phẩm của ông, càng đọc chúng ta càng thấy một Nam Bộ rất đỗi gần gũi, chân dị qua những dấu ấn trải nghiệm cá nhân của chính “ông già Nam Bộ”. Tuy nhiên, Nam Bộ hiện nay đang trước những sức ép về sự phát triển của kinh tế, đất và người Nam Bộ có phần đổi thay, nên vấn đề đặt ra là, làm sao có thể giữ được hồn cốt Nam Bộ trong thời bão kinh tế thị trường; để làm được điều đó, trước hết ta phải đi tìm cho được hồn cốt Nam Bộ, sau nữa mới giữ gìn, phát huy các giá trị của người dân Nam Bộ xưa” – trích lời TS Tạ Anh Thư. TS cũng tin tưởng, đội ngũ các nhà nghiên cứu, giảng viên đến từ nhiều chuyên ngành thuộc khối khoa học xã hội, sẽ góp những tiếng nói khác nhau làm nên bức tranh tổng hòa về văn hóa vùng đất Nam Bộ; đồng thời giúp cho bạn đọc, học viên, sinh viên cảm nhận được những lát cắt văn hóa đặc trưng được chắt lọc qua góc nhìn của nhà văn Sơn Nam.

Có 28 tham luận được tập hợp trong kỷ yếu hội thảo. Một số tham luận tiêu biểu được các học giả trình bày tại hội thảo, như về Sơn Nam với nghiên cứu văn hóa có:  “Hình tượng hổ ở Nam Bộ qua Chuyện xưa tích cũ của Sơn Nam” của ThS. Nguyễn Thị Bảo Anh, “Tín ngưỡng dân gian Nam Bộ qua góc nhìn của Sơn Nam” của ThS. Lê Thị Ninh, “Nhà văn Sơn Nam với truyền thống văn hóa và người Bình Dương” của TS. Nguyễn Văn Thủy, “Lịch sử - văn hóa Đông Nam Bộ - Bình Dương qua khảo cứu của nhà văn Sơn Nam” của ThS. Nguyễn Thị Kim Ánh,Từ góc nhìn sinh thái, nghĩ về sức mạnh tự nhiên (xét thế giới loài vật) trong tác phẩm của Sơn Nam” của ThS. Phan Thị Trà; Về Sơn Nam với văn chương có: “Hình ảnh con người Nam Bộ qua tập truyện ngắn Hương Rừng Cà Ma” của ThS. Nguyễn Thành Ngọc Bảo, “Con người hoà nhập” trong truyện vừa của Sơn Nam” của TS. Hà Minh Châu, “Quan niệm nghệ thuật trong truyện ngắn của Sơn Nam của ThS. Mai Thế Mạnh, “Sơn Nam: chân dung nhà phê bình văn học qua hồi ký” của TS. Tạ Anh ThưNgoài ra, còn nhiều tham luận khác bàn về cách bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Nam Bộ và di sản của Sơn Nam.

TS. Tạ Anh Thư phát biểu khai mạc tại hội thảo

ThS. Võ Văn Sơn - Đại học Tiền Giang trình bày tham luận “Phát huy giá trị của khu lưu niệm nhà văn Sơn Nam”

ThS. Nguyễn Thị Kim Ánh trình bày tham luận "Lịch sử - văn hóa Đông Nam Bộ - Bình Dương qua khảo cứu của nhà văn Sơn Nam”

Những kết quả nghiên cứu được công bố tại hội thảo đã góp phần tôn vinh những đóng góp của nhà văn Sơn Nam đối với văn học và văn hóa của vùng đất Nam Bộ
BBT


Bài đăng cùng chủ đề