KHOA HỌC CÔNG NGHỆ


Hội thảo khoa học "Dạy và học các môn khối ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn trong nhà trường hiện nay"

20/06/2020 17:35 — 1259
Ngày 18/6/2019, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức thành công hội thảo khoa học với chủ đề "Dạy và học các môn khối ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn trong nhà trường hiện nay" – Lần I. Hội thảo được tiến hành theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho CB-GV, học viên và sinh viên tham dự.
 
Hội thảo “Dạy và học các môn khối ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn trong nhà trường hiện nay” là diễn đàn khoa học đầu tiên do trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức bàn về vấn đề nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dạy và học các môn khối ngành khoa học xã hội. Chủ đề hội thảo đã thu hút sự quan tâm tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục phổ thông trong cả nước như: ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH An Giang, ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), ĐH Quy Nhơn (Bình Định), ĐH KHXH&NV TP. HCM, ĐH Bạc Liêu, THPT Lê Quảng Chí (Hà Tĩnh)…. Theo tiêu chí hội thảo, BTC đã phản biện và tuyển chọn ra 46 bài tham luận tập hợp thành kỷ yếu.
 
Tại hội thảo, 10 báo cáo được chọn trình bày đã chia sẻ những kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu về việc dạy và học các môn khối ngành KHXH&NV trong nhà trường hiện nay, như: công tác đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, hoạt động giảng dạy với thực tiễn cuộc sống. Cụ thể, TS. Hoàng Thị Hường chia sẻ tham luận “Tiếp cận văn học theo hướng báo chí – truyền thông hóa trong dạy và học đối với ngành văn học (theo hướng ứng dụng báo chí) & ngành truyền thông đa phương tiện tại trường đại học Duy Tân”; TS. Nguyễn Phước Hoàng với tham luận “Vận dụng phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực vào dạy học các môn chuyên ngành Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở trường Đại học Bạc Liêu”; tham luận “Dạy học môn Ngữ văn bằng hình thức trực tuyến: những cơ hội và thách thức” của TS. Tạ Anh Thư,… Không chỉ dừng lại ở nội dung liên quan hoạt động dạy và học, nhiều tham luận còn cung cấp những kiến thức mới ở các lĩnh vực: văn học, lịch sử, ngôn ngữ, xã hội học. Cụ thể, tham luận “So sánh chương trình môn Tự nhiên và Xã hội với chương trình môn Cuộc sống (Nhật Bản) và một số đề xuất” của tác giả Đặng Ngọc Hân; tham luận “Bước đầu tìm hiểu nghệ thuật sử dụng thành ngữ, phương ngữ trong du ký viết về Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX” của tác giả Võ Thị Thanh Tùng,…
 
Đi sâu vào phiên trao đổi, đại biểu tham dự cho rằng, đến nay, việc cải cách, đổi mới chương trình, mô hình, phương pháp giáo dục không chỉ mang tính xu hướng mà còn mang tính tất yếu nhằm đáp ứng sự vận động không ngừng của xã hội; việc dạy và học ngày nay phải gắn với sự tương tác liên ngành, với thực tiễn, gắn với nhu cầu xã hội và đặc biệt là gắn với các hoạt động của địa phương. Nghĩa là, giáo dục phải gắn liền với ứng dụng; dạy học trong sự phát triển không ngừng của công nghệ,... Đây không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức để đạt được mục tiêu thay đổi giáo dục một cách toàn diện. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự cũng đồng tình, dạy và học các môn khối ngành KHXH&NV cần phải luôn cập nhật tri thức mới. Bởi các lí tuyết, các kiến thức về các môn khối ngành KHXH&NV luôn thay đổi theo các định giá xã hội. Do đó, đòi hỏi người dạy phải không ngừng nghiên cứu, đổi mới nội dung bài dạy. Vấn đề việc đổi mới phương pháp, mô hình dạy và học các môn khối ngành KHXH&NV phải linh hoạt,  gắn liền với tâm lí, lứa tuổi, năng lực của người học, gắn với sự đa dạng văn hóa.
 
Với thành công từ hội thảo lần 1, trường Đại học Thủ Dầu Một mong muốn đây sẽ là diễn đàn học thuật được tổ chức thường niên để đóng góp những giải pháp, định hướng nghiên cứu, dạy và học các môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trong các cơ sở giáo dục Việt Nam hiện nay.

Chủ đề hội thảo đã thu hút sự quan tâm tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục phổ thông trong cả nước

TS. Hoàng Thị Hường trình bày tham luận qua hình thức trực tuyến “
Tiếp cận văn học theo hướng báo chí – truyền thông hóa trong dạy và học đối với ngành văn học (theo hướng ứng dụng báo chí) & ngành truyền thông đa phương tiện tại trường đại học Duy Tân"

ThS. Lê Anh Vũ trình bày tham luận "Triển vọng ứng dụng phương pháp học tập thông qua phục vụ cộng đồng trong giảng dạy công tác xã hội"


Với thành công từ hội thảo lần 1, trường Đại học Thủ Dầu Một mong muốn đây sẽ là diễn đàn học thuật được tổ chức thường niên để đóng góp những giải pháp, định hướng nghiên cứu, dạy và học các môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trong các cơ sở giáo dục Việt Nam hiện nay
BBT
 

Bài đăng cùng chủ đề