KHOA HỌC CÔNG NGHỆ


Hội thảo “Đổi mới tư duy giáo dục – kinh tế để phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0”

07/06/2019 11:54 — 3011
Bàn về sự phát triển và sức lan tỏa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến giáo dục và kinh tế vùng Đông Nam Bộ, ngày 4/6/2019, trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Đổi mới tư duy giáo dục – kinh tế để phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0”.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, trên nền tảng của các yếu tố cốt lõi như: Internet của vạn vật (Internet of things), dữ liệu lớn (Big data), và trí tuệ nhân tạo (AI)… Thành tựu của cuộc cách mạng này đã và đang có ảnh hưởng sâu rộng đến phát triển kinh tế xã hội ở nhiều quốc gia, trên nhiều lĩnh vực trong đó có giáo dục và kinh tế. Xuất phát từ thực tiễn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hội thảo với chủ đề Đổi mới tư duy giáo dục – kinh tế để phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0” do trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức đã thu hút sự quan tâm viết bài của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, cán bộ giảng viên, học viên đến từ các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp trong cả nước. Cụ thể, Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 64 bài viết và báo cáo tham luận (trong đó, có 42 bài viết về chủ đề kinh tế, 22 bài viết về chủ đề giáo dục). Trong số các bài tham luận, có 14 bài viết có sự tham gia của các tác giả ở ngoài trường, như, Đại học Kinh tế - Luật, Học viện Ngân hàng, Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, Đại học Văn Hiến, Đại học Mở TP.HCM, Đại học KHXH&NV, …

Xuất phát từ mục tiêu hội thảo, Ban tổ chức đã bố trí phiên làm việc toàn thể với 03 báo cáo tham luận bàn về các nội dung: vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ; tác động của thực tiễn quản trị nguồn nhân lực đến kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong vùng Đông Nam Bộ; thực trạng phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực du lịch tại tỉnh Bình Dương. Trao đổi tại phiên toàn thể, các tác giả tham luận, cùng đại biểu tham dự đã tập trung bàn luận các giải pháp nâng cao hiệu quả cơ chế quản lý sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung, của Vùng kinh tế Đông Nam Bộ nói riêng trong giai đoạn 2020 – 2025; vấn đề tăng cường năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của Vùng Đông Nam Bộ; xây dựng mô hình thành phố thông minh trên nền tảng của cuộc cách mạng cộng nghiệp 4.0; giải pháp nâng cao kết quả hoạt động của các doanh nghiệp trong vùng Đông Nam Bộ…

Sau phiên toàn thể, hội thảo được triển khai thành hai tiểu ban Kinh tế và Giáo dục. Tại đây, các đại biểu tham dự có cơ hội trình bày chuyên sâu những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến ltừng lĩnh vực chủ chốt của vùng Đông Nam Bộ. Cụ thể:

Tiểu ban Kinh tế, các tham luận, ý kiến trao đổi, góp ý của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp đã tập trung đánh giá về thực trạng việc làm cho lao động nữ, giải pháp thích ứng đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; những yếu tố tác động đến việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của Vùng Đông Nam Bộ; giải pháp cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương…

Tiểu ban Giáo dục, các báo cáo tại tiểu ban cung cấp thêm các luận cứ khoa học về vai trò của giáo dục trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời đưa ra nhận định các cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực giáo dục đại học. Qua đó, đóng góp giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng của vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng trong thời đại công nghiệp 4.0.

Trải qua 02 phiên làm việc tập trung, nghiêm túc, các nội dung chính của hội thảo đã được các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên trình bày, thảo luận, từ đó đề xuất các kiến nghị, giải pháp để phát triển kinh tế, giáo dục trong thời đại công nghiệp 4.0. Từ những ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia trong hội thảo giúp trường nghiên cứu và vận dụng tốt hơn trong hoạt động đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp trong tỉnh, đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chủ đề hội thảo đã thu hút sự quan tâm viết bài của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, cán bộ giảng viên, học viên đến từ các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp trong cả nước

Các nội dung chính của hội thảo đã được các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên trình bày, thảo luận, từ đó đề xuất các kiến nghị, giải pháp để phát triển kinh tế, giáo dục trong thời đại công nghiệp 4.0

Các kết quả công bố tại hội thảo giúp trường nghiên cứu và vận dụng tốt hơn trong hoạt động đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp trong tỉnh, đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
BBT

Bài đăng cùng chủ đề