KHOA HỌC CÔNG NGHỆ


Hội thảo “Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế theo mô hình CDIO”

16/04/2021 10:22 — 1607
Ngày 28/1/2021, trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp cùng trường Đại học Duy Tân tổ chức thành công hội thảo khoa học Quốc gia “Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế theo mô hình CDIO”.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên đến từ trường ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Duy Tân, trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, trường ĐH Dầu khí Việt Nam, trường ĐH Mỏ - Địa chất, trường ĐH Vinh, trường ĐH Bình Dương, trường Cao đẳng Công nghiệp và xây dựng, trường Cao đẳng Công thương Tp.HCM, trường Cao đẳng nghề đường sắt phía Nam,...

Trong quá trình chuẩn bị, BTC hội thảo đã nhận được trên 40 tham luận, đề cập đến hầu hết các khía cạnh liên quan đến việc áp dụng CDIO trong xây dựng, ứng dụng, đánh giá, cải tiến chương trình đào tạo. Sau phản biện và biên tập, trường ĐH Thủ Dầu Một đã xuất bản thành sách để phục vụ hội thảo. Đặc biệt, tập sách được cấp mã số tiêu chuẩn quốc tế của Nhà xuất bản Tài Chính, mỗi bài tham luận cũng được cấp chỉ số định danh bài báo khoa học của Hiệp hội xuất bản quốc tế. Sách vừa có bản in giấy đồng thời có bản điện tử trực tuyến để phục vụ rộng rãi đại biểu và bạn đọc.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Chủ tịch hội đồng trường ĐH Thủ Dầu Một cho biết, chủ đề hội thảo là sáng kiến do trường ĐH Thủ Dầu Một khởi xướng nhằm khẳng định vai trò và tầm quan trọng của phương pháp tiếp cận CDIO; đồng thời là diễn đàn khoa học trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng và phát triển chương trình đào tạo và tạo mối quan hệ gắn kết giữa các trường thành viên của Hiệp hội CDIO tại Việt Nam. Từ thành công của hội thảo lần đầu tiên, PGS kiến nghị, các đại biểu dành thời gian bàn thảo ý kiến để xây dựng một hình thức sinh hoạt chung cho nhóm các trường thành viên Hiệp hội CDIO ở Việt Nam; trước mắt, lấy hội thảo khoa học này làm diễn đàn học thuật thường niên và sẽ tổ chức luân phiên ở các trường trong thời gian tới.   
   
Tiếp nối kiến nghị của PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, trong phần báo cáo đề dẫn, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng cho biết, CDIO đã có mặt ở 40 quốc gia với hơn 150 trường thành viên, cùng hàng trăm trường trên toàn thế giới đang áp dụng mô hình và tinh thần CDIO để nâng cao chất lượng đào tạo ở các bậc học, đặc biệt là bậc đại học. Tại Việt Nam, có 8 trường là thành viên của tổ chức CDIO thế giới. Mô hình và tinh thần CDIO được lan tỏa ở khắp các ngành đạo tạo từ kỹ thuật công nghệ đến khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Nhiều trường đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo CDIO trong đa dạng các hoạt động đào tạo, quản lý, cải tiến chất lượng. Cụm từ CDIO không còn xa lạ mà trở thành bảo chứng cho các trường lựa chọn  con đường cải tiến chất lượng một cách bài bản, khoa học. Tuy nhiên, sự kết nối của các trường ở Việt Nam đang có phần buông lỏng, sự hỗ trợ từ các thành viên CDIO với các trường đang nỗ lực để gia nhập chưa thật sự sâu sát và hiệu quả. “Bên cạnh mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế theo mô hình CDIO, thì hội thảo hôm nay hi vọng sẽ là bước tái khởi động cho quá trình liên kết, hợp tác xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động của mạng lưới CDIO Việt Nam” – TS nhấn mạnh.

Triển khai các phiên làm việc, hội thảo đã chọn ra 5 tham luận tham gia báo cáo trực tiếp. Trong tham luận đầu tiên, TS. Trần Nhật Tân, trường ĐH Duy Tân đã chia sẻ một số khía cạnh về việc áp dụng CDIO như là bối cảnh, vận dụng CDIO và OBE như là triết lý và công cụ để triển khai; cũng như sử dụng định hướng kiểm định ABET và các kiểm định khác như là động lực nhằm cải tiến chương trình đào tạo đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Đại diện cho ngành phi kỹ thuật, TS. Dương Hiền Hạnh - trường ĐH Thủ Dầu Một đã nêu những ưu điểm nổi trội khi triển khai xây dựng chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Công tác xã hội tại trường ĐH Thủ Dầu Một theo mô hình CDIO. TS cho biết, điểm mạnh của chương trình đào tạo là được xây dựng dựa trên chuẩn đầu ra phù hợp với mục tiêu đào tạo cho người học nâng cao tay nghề công tác xã hội, có khả năng quản trị và nghiên cứu độc lập,…

Đến từ trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, nhóm tác giả Võ Hồng Ngân, Lê Thanh Lành đã trình bày xu hướng quốc tế hóa các nguồn lực để triển khai tốt phương pháp tiếp cận CDIO trong thời công nghệ 4.0. Nhóm tác giả đã nêu bật các hoạt động hướng đến quốc tế hóa được phân phối trên 12 tiêu chuẩn CDIO được dùng trong cải cách giáo dục, đánh giá chương trình. Bên cạnh đó, những kiến nghị chính sách quốc tế hóa giáo dục đại học ở Việt Nam trong thời công nghệ 4.0 cũng được các tác giả đề xuất.

Từ góc nhìn của khối ngành kỹ thuật khi áp dụng CDIO, ThS Võ Quốc Lương, trường ĐH Thủ Dầu Một đã nêu lên thực trạng về năng lực nghề của sinh viên nhóm ngành công nghệ thông tin, cũng như đề xuất các giải pháp rèn luyện năng lực thực hành nghề nghiệp cho sinh viên đáp ứng chuẩn đầu ra theo đề cương CDIO, như: nâng cao năng lực của giảng viên bộ môn, tích hợp kiến thức liên môn vào trong một đề án; áp dụng mô hình open lab; triển khai sớm khóa thực tập, thực tế cho sinh viên,…

Bên cạnh các tham luận trình bày, trong hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng như, kinh nghiệm xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO, bao gồm các vấn đề nghiên cứu lựa chọn mô hình, phân tích, đối sánh chương trình, tổ chức giảng dạy, kiểm tra đánh giá và xây dựng văn hóa chất lượng ở trường đại học; những điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và môi trường học tập trong áp dụng CDIO, nhất là vấn đề năng lực giảng dạy của giảng viên và đội ngũ nhân viên hỗ trợ, hệ thống quy trình chuẩn trong việc triển khai CDIO cho các ngành phi kỹ thuật; vấn đề tích hợp CDIO với tiêu chuẩn chất lượng AUN-QA, ABET; xây dựng chương trình giảng dạy theo hướng đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. 

Khép lại Hội thảo, TS. Trần Nhật Tân - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng, Trưởng ban triển khai CDIO, ĐH Duy Tân, đã đại diện 2 đơn vị đồng tổ chức cảm ơn các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đã dành thời gian và tam huyết tham dự. TS đặt kỳ vọng rằng, sau hội thảo này, các trường sẽ có nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về áp dụng CDIO trong đào tạo đại học.

Sau hội thảo, đại diện lãnh đạo các trường đã tham dự phiên họp nội bộ, cùng thống nhất chủ trương hình thành Mạng lưới CDIO Việt Nam. 8 trường thành viên của CDIO thế giới tại Việt Nam sẽ là các đơn vị chủ chốt vận hành, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các trường đang theo đuổi và mong muốn vận dụng CDIO vào thực tế đào tạo tại đơn vị mình. Dự kiến, hội thảo CDIO lần II sẽ do Đại học Công nghệ Đồng Nai đăng cai tổ chức vào tháng 1/2022. 
 

Hội thảo do trường ĐH Thủ Dầu Một và ĐH Duy Tân phối hợp tổ chức

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Chủ tịch hội đồng trường ĐH Thủ Dầu Một kiến nghị, các đại biểu dành thời gian bàn thảo ý kiến để xây dựng một hình thức sinh hoạt chung cho nhóm các trường thành viên Hiệp hội CDIO ở Việt Nam

TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng, trường ĐH Thủ Dầu Một, thành công của hội thảo hôm nay hi vọng sẽ là bước tái khởi động cho quá trình liên kết, hợp tác xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động của mạng lưới CDIO Việt Namư

. TS. Trần Nhật Tân, trường ĐH Duy Tân đã chia sẻ một số nội dung tham luận "Vai trò của CDIO trong bối cảnh đổi mới chương trình đào tạo theo OBE và kiểm định ABET"

Tại hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng của chủ đề hội thảo

Theo BTC, hội thảo sẽ trở thành diễn đàn học thuật thường niên và được tổ chức luân phiên ở các trường trong thời gian tới 
BBT

Bài đăng cùng chủ đề