KHOA HỌC CÔNG NGHỆ


Hội thảo “Công bố quốc tế và ảnh hưởng của công bố quốc tế đối với chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo”

16/04/2021 10:23 — 2062
Ngày 22/1/2021, trường ĐH Thủ Dầu Một đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Công bố quốc tế và ảnh hưởng của công bố quốc tế đối với chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo”.

Chủ đề hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ - giảng viên đến từ các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu trong cả nước, như: ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Luật Tp.HCM, ĐH Kinh tế - Luật - ĐHQG Tp.HCM, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Huế, ĐH Công nghệ Tp.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Công nghệ Đồng Nai, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam…

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Hoàng Trọng Quyền cho biết, công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế có chất lượng là xu hướng tất yếu nhằm phát triển khoa học và tri thức trên toàn thế giới. Đồng thời, số lượng bài báo công bố quốc tế được dùng để đo lường và so sánh hiệu suất khoa học giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, thậm chí giữa các quốc gia. Trong lĩnh vực khoa học giáo dục, các tổ chức xếp hạng đại học thế giới (University Ranking by Academic Performance; UI GreenMetric, US News, Academic Ranking of World Universities,…) đều lấy công bố quốc tế là tiêu chí quan trọng trong đánh giá, xếp hạng đại học. Tại Việt Nam, số liệu công bố khoa học quốc tế đã được hầu hết các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ quan khoa học và giáo dục sử dụng trong đánh giá thành tích nghiên cứu của các nhà khoa học, giảng viên, xếp hạng đại học; là chuẩn mực quan trọng xét chức danh giáo sư, phó giáo sư… Với tầm quan trọng của công cố quốc tế, PGS hy vọng, chủ đề hội thảo sẽ đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy và nâng cao số lượng, chất lượng các công bố khoa học quốc tế trong các cơ sở giáo dục đại học.

Là một trong các tác giả có tham luận được lựa chọn trình bày, TS. Dương Hiền Hạnh, trường ĐH Thủ Dầu Một nêu lên góc nhìn từ các học giả trẻ Việt Nam về mối quan hệ giữa động cơ và công trình khoa học được công bố quốc tế. TS Hiền Hạnh đã phân tích sự thành công của sáu tác giả Việt Nam có bài đăng tạp chí quốc tế thuộc lĩnh vực địa lý tự nhiên, khoa học xã hội, ngoại ngữ và kinh tế. Trên quan điểm lý thuyết “thuyết học tập xã hội” của nhà Tâm lý học Bundura, bài viết luận giải về môi trường và động cơ nội tâm cá nhân tác động đến hành vi của nhóm tác giả có bài đăng. Qua đó, tập trung phân tích các động cơ (yếu tố bên trong con người) thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, viết và công bố sản phẩm của các tác giả trẻ Việt Nam trên các tạp chí quốc tế.

Trình bày các yêu cầu cơ bản đối với việc công bố bài viết Luật học trên tạp chí quốc tế, PGS.TS Nguyễn Bá Bình - trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng, đối tượng nghiên cứu phải là vấn đề mới, mang tính thời sự, đồng thời tác giả bài viết cần lựa chọn các phương pháp tiếp cận phổ biến trong giới Luật học thế giới, nhất là cách tiếp cận liên ngành. PGS cũng lưu ý về các khía cạnh khác nhau trong quá trình dự thảo bài viết, như: định dạng, cấu trúc bài, tên bài, tóm tắt bài,... cũng cần được làm rõ. Ngoài ra, PGS cũng đưa ra các khuyến nghị về việc lựa chọn tạp chí phù hợp để công bố, đảm bảo tránh tạp chí “ma” cũng như đảm bảo lựa chọn được tạp chí tương thích với chất lượng bài viết.

Phân tích các tác động của công bố quốc tế đối với đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường đại học, ThS. Bùi Duy Hoàng thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam đã nhận định về sự tương quan giữa công bố quốc tế đến nghiên cứu khoa học, đào tạo của trường đại học và ngược lại. Tác giả cho rằng, để nâng cao vị thế của trường đại học trên các bảng xếp hạng, các trường cần đẩy mạnh giao chỉ tiêu nghiên cứu cho CB-GV; giao trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh viết bài báo khoa học; đồng thời tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế ở nhiều cấp độ khác nhau, như: tham gia hội thảo quốc tế, trao đổi chuyên môn, mở lớp tập huấn kỹ năng viết báo,…

Trong phiên thảo luận mở, các đại biểu, nhà khoa học tập trung thảo luận về các giải pháp nâng cao số lượng và chất lượng công bố quốc tế. Các giải pháp tập trung vào cơ chế động viên, khuyến khích nhà khoa học, cán bộ, giảng viên, học viên tham gia nghiên cứu; các cơ sở giáo dục cần chủ động đẩy mạnh kết nối và mở rộng mạng lưới nghiên cứu quốc tế, hỗ trợ giảng viên, học viên được tiếp cận với các tổ chức, các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thế giới. Ngoài ra, các trường cần tăng các mức hỗ trợ chi phí cho giảng viên để khuyến khích giảng viên tham gia nhiều hơn nữa các hội thảo quốc tế tổ chức trong và ngoài nước; thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh theo chủ đề nghiên cứu tiếp cận đa lĩnh vực và liên ngành, đồng thời gắn kết nội lực của đội ngũ học thuật của các trường với các học giả tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới,…

Ngày 22/1/2021, trường ĐH Thủ Dầu Một đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Công bố quốc tế và ảnh hưởng của công bố quốc tế đối với chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo”

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia có thành tích và kinh nghiệm về công bố quốc tế

PGS.TS Nguyễn Bá Bình - trường ĐH Luật Hà Nội trình bày tham luận tại hội thảo

Các đại biểu, nhà khoa học đã đóng góp nhiều giải pháp để nâng cao số lượng và chất lượng công bố quốc tế cho các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu
BBT
 

Bài đăng cùng chủ đề