KHOA HỌC CÔNG NGHỆ


Dự án nghiên cứu của trường ĐH Thủ Dầu Một được Quỹ VINF tài trợ

03/11/2020 15:16 — 1817
Chiều ngày 12/10/2020 tại Hà Nội, trường ĐH Thủ Dầu Một đã tham gia “Lễ ký kết tài trợ dự án Nghiên cứu khoa học và công nghệ năm 2020” do Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata, Tập đoàn Vingroup tổ chức.

Dự án “Tối ưu hoá quá trình chế tạo dựa trên dữ liệu từ mô phỏng vật lý” của trường ĐH Thủ Dầu Một (Mã dự án: VINIF.2020.DA15) đã vinh dự được VINIF tài trợ với mức kinh phí lên đến 4.8 tỷ đồng. Đây là một trong 28 dự án xuất sắc được lựa chọn từ 139 hồ sơ gửi về trong năm 2020 sau khi trải qua 3 vòng đánh giá, xét chọn nghiêm ngặt của Hội đồng Khoa học cùng sự tư vấn của hơn 50 giáo sư trong và ngoài nước. Theo TS. Trần Văn Xuân – Giám đốc Chương trình nghiên cứu “Mô hình, mô phỏng trong thời đại kỹ thuật số” cũng là chủ nhiệm đề tài, dự án này nhằm mục đích phát triển phương pháp tối ưu các thông số của quá trình chế tạo có xét đến các yếu tố bất định dựa trên dữ liệu từ mô phỏng vật lý và trí tuệ nhân tạo. Dự án sẽ tập trung vào 3 công nghệ chế tạo tiên tiến và phổ biến trong ngành công nghiệp nặng bao gồm chế tạo bồi đắp (in 3D) kim loại, dập tấm/định dạng kim loại, và hàn tự động. Những mục tiêu cụ thể của dự án bao gồm: (1) Tạo ra cơ sở dữ liệu truy cập mở từ thí nghiệm và từ mô phỏng số của các quá trình sản xuất tiên tiến có xét đến các hiện tượng cơ, nhiệt, và biến đổi cấu trúc của vật liệu, từ đó tạo cơ sở để ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm tối ưu hóa các quá trình này; (2) Phát triển các mô hình thay thế thích hợp cho từng quá trình chế tạo dựa trên các phương pháp học máy hiệu quả kết hợp với các phương pháp thu thập dữ liệu hiệu quả; (3) Lượng hoá tính chất bất định của chất lượng sản phẩm dựa trên đánh giá các yếu tố tác động ngẫu nhiên hoặc do vấn đề thiếu thông tin chính xác về các tham số liên quan đến quá trình chế tạo; (4) Phát triển các phương pháp tối ưu hiệu quả có xét đến các yếu tố bất định; (5) Đánh giá, thẩm định và triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào quy trình sản xuất thử, chuyển giao công nghệ cho các trung tâm nghiên cứu và cơ sở sản xuất có nhu cầu.

Hiện nay, theo xu thế chung, Việt Nam đang thực hiện quá trình chuyển đổi số một cách mạnh mẽ hướng đến nền Công nghiệp 4.0 với mục tiêu thúc đẩy các doanh nghiệp tự thiết kế và sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Dự án EDPOMP sẽ nghiên cứu chuyên sâu về các quá trình vật lý cơ bản trong các công nghệ chế tạo tiên tiến và sẽ phát triển các kiến thức này thành các công cụ mô phỏng số sử dụng phương pháp học máy để tối ưu hóa các thông số đầu vào cho các quá trình chế tạo. Các kết quả của dự án này sẽ tạo ra và chia sẻ các công cụ kỹ thuật số có tính đổi mới sáng tạo cho các tổ chức công nghiệp và học thuật; giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt cho các ngành sản xuất thiết bị y tế, kỹ thuật ô tô và hàng không vũ trụ; thúc đẩy hợp tác quốc tế, phát triển kỹ năng trong thời đại kỹ thuật số.

Lễ ký kết tài trợ giữa Tập đoàn Vingroup với đại diện trường ĐH Thủ Dầu Một

Toàn cảnh lễ ký kết với các dự án được tài trợ
Tin, ảnh: Nguyễn Hồ Quang

Bài đăng cùng chủ đề