KHOA HỌC CÔNG NGHỆ


Báo cáo tại ĐH Cần Thơ về Tính toán hiệu năng cao trong thiết kế vật liệu bán dẫn

25/08/2022 15:33 — 1093
Tại Hội nghị Khoa học tự nhiên Đồng bằng sông Cửu Long do ĐH Cần Thơ tổ chức, đại diện HPC Lab trường ĐH Thủ Dầu Một đã trình bày báo cáo về Tính toán hiệu năng cao trong thiết kế các vật liệu bán dẫn. Đây là nghiên cứu mới có tính ứng dụng cao trong lĩnh vực Vật lý, thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học.

Ngày 20/8/2022, Đại học Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị Khoa học Tự nhiên Đồng bằng sông Cửu Long lần 2 năm 2022. Hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên đến tham dự. Hội nghị là diễn đàn để các nhà khoa học của trường Đại học Cần Thơ và các đơn vị trao đổi học thuật, trình bày kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, trao đổi tìm ý tưởng, giải pháp cho các vấn đề khoa học và công nghệ, đẩy mạnh hợp tác, hình thành các nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực trong và ngoài trường.

Nhận lời mời của khoa Khoa học tự nhiên -  ĐH Cần Thơ, HPC Lab của trường ĐH Thủ Dầu Một đã tham dự và trình bày tham luận về Tính toán hiệu năng cao trong thiết kế các vật liệu bán dẫn. Mở đầu cho phiên chuyên đề trong lĩnh vực Vật lý ứng dụng, TS Nguyễn Duy Khanh – Phó Giám đốc TT Công nghệ thông tin, phụ trách HPC Lab TDMU đã trình bày các nghiên cứu tính toán thực hiện trên hệ máy tính hiệu năng cao của trường Đại học Thủ Dầu Một. Nghiên cứu được trình bày một cách chi tiết về các vật liệu bán dẫn đơn lớp mới dựa trên các nguyên tố nhóm IV và V với độ rộng vùng cấm được hiệu chỉnh phù hợp bằng phương pháp hấp phụ và thay thế nguyên tử cho các linh kiện điện tử.

Theo TS Nguyễn Duy Khanh, sự phát triển nhanh chóng của Khoa học và Công nghệ vật liệu thấp chiều kể từ khi vật liệu đơn lớp hai chiều (2D) graphene đầu tiên được tổng hợp thành công vào năm 2004 đã kết thúc sự thống trị của định luật Moore trong công nghệ bán dẫn kể từ năm 1965. Điều này có nghĩa là các vật liệu bán dẫn khối trong các linh kiện điện tử truyền thống sẽ được thay thế bởi các vật liệu bán dẫn thấp chiều tiên tiến hơn. Do vậy, thiết kế các vật liệu bán dẫn thấp chiều mới với hiệu năng cao là vấn đề cấp thiết cho ngành công nghệ bán dẫn hiện đại trong tương lai. Ngoài ra, để phát triển hàng loạt các vật liệu bán dẫn thấp chiều mới trong thời gian ngắn thì phương pháp thiết kế các vật liệu dựa trên các tính toán hiệu năng cao là rất hiệu quả với độ chính xác cao. Đây cũng là một trong những hướng nghiên cứu chính của HPC Lab trường ĐH Thủ Dầu Một và bước đầu đã có nhiều kết quả khả quan.
Hệ thống tính hiệu năng cao của trường Đại học Thủ Dầu Một (TDMU HPCC) TDMU HPCC chính được đưa vào khai thác vào tháng 7 năm 2020. Đến thời điểm hiện tại qua 02 năm vận hành, khai thác từ 07/2020-08/2022, TDMU HPCC đang được vận hành và khai thác rất hiệu quả; tài nguyên hệ thống luôn được sử dụng tối đa tạo ra nhiều kết quả nghiên cứu: 23 bài báo ISI Q1, 34 bài báo ISI Q2, 22 bài báo Scopus, 19 bài báo kỷ yếu hội nghị, 10 bài báo trong nước, 06 chương sách quốc tế, 15 báo cáo tại các hội nghị Quốc tế và 13 báo cáo tại các hội nghị trrong nước. Ngoài ra, tài nguyên hệ thống TDMU HPCC cũng đã hỗ trợ đào tạo thành công 40 luận văn tốt nghiệp đại học và 04 luận văn cao học. Bên cạnh sử dụng tài nguyên TDMU HPCC cho nghiên cứu và đào tạo thì tài nguyên hệ thống cũng được sử dụng hiệu quả để giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội cấp bách của tỉnh như dự đoán sự tiến triển của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp trong năm 2021.
 

TS Nguyễn Duy Khanh trình bày tham luận về Tính toán hiệu năng cao trong thiết kế các vật liệu bán dẫn tại hội nghị
BBT

Bài đăng cùng chủ đề