HỢP TÁC ĐỐI NGOẠI


Tìm hiểu, học tập kinh nghiệm triển khai mô hình đại học nhiều bậc, nhiều cấp

24/07/2020 18:05 — 2424
Theo chiến lược phát triển, trường Đại học (ĐH) Thủ Dầu Một đang chuẩn bị những điều kiện để tiến tới hình thành đại học hai cấp (trường đại học trong đại học), đồng thời xây dựng trường quốc tế có đầy đủ các bậc học từ mầm non đến THPT. Để có góc nhìn đa chiều từ những cơ sở giáo dục nhiều kinh nghiệm trong vận hành các mô hình trường, từ ngày 21 – 23/7/2020, đoàn công tác trường ĐH Thủ Dầu Một do PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Chủ tịch Hội đồng Trường làm trưởng đoàn đã thực hiện lịch trình làm việc tại các trường đại học phía Bắc – là các trường tiêu biểu trong thực hiện mô hình đại học đa bậc, đa cấp. 
 
Mô hình đại học hai cấp:  Đại học Thái Nguyên

Trong hai ngày 21 và 22/7/2020, đoàn công tác đã đến làm việc tại ĐH Thái Nguyên – một trong ba đại học vùng của Việt Nam được xây dựng theo mô hình đại học 2 cấp: trường đại học trong đại học. Tiếp đoàn có PGS.TS Trần Viết Khanh - Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên, GS.TS Đặng Văn Minh - Nguyên Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên cùng lãnh đạo của các ban trực thuộc.

ĐH Thái Nguyên được thành lập từ năm 1994, hoạt động theo mô hình đại học hai cấp với 8 trường đại học trực thuộc, 1 trường cao đẳng, 1 khoa và 1 phân hiệu. Trong buổi làm việc, lãnh đạo hai đơn vị đã trao đổi chi tiết về những đặc thù của đại học hai cấp, đặc biệt là những thuận lợi và thách thức trong công tác quản trị đại học, cách thức vận hành và mức độ tự chủ của từng mô hình. Ấn tượng về quá trình phát triển, đồng tình với tầm nhìn của trường ĐH Thủ Dầu Một, PGS.TS Trần Viết Khanh và PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp đã chia sẻ về các chính sách tạo động lực trong quản trị nhân sự, trong chiến lược huy động nguồn lực để đạt được những mục tiêu quan trọng trong thời gian ngắn như các mục tiêu về kiểm định trong nước và kiểm định AUN.

Trong quá trình làm việc, các thành viên tham dự cũng dành nhiều thời gian để thảo luận về các chương trình hợp tác giữa hai đơn vị trong thời gian tới. Theo đó, lãnh đạo ĐH Thái Nguyên và lãnh đạo trường ĐH Thủ Dầu Một thống nhất thiết lập mối quan hệ hợp tác sâu rộng, thể hiện qua việc công nhận chương trình giảng dạy giữa các trường thành viên (sau khi khớp nối chuẩn đầu ra, khối lượng học phần), hợp tác trong nghiên cứu khoa học để hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh, chia sẻ thông tin về hoạt động của đối tác để tăng cường sự hiểu biết và khả năng chọn lựa chương trình đào tạo của người học.

Trường Đại học Hùng Vương: Trường đa bậc

Ngày 23/7/2020, Đoàn tiếp tục có buổi làm việc với trường ĐH Hùng Vương – một trong 5 thành viên tham gia ký kết hợp tác chiến lược cùng nhau (vào tháng 7/2019). Tiếp đoàn có TS. Đỗ Khắc Thanh – Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Hoàng Công Kiên – Hiệu trưởng trường cùng các thành viên Ban giám hiệu và lãnh đạo các phòng ban trực thuộc. Đoàn công tác đã tham quan khuôn viên rộng 70 ha của trường ĐH Hùng Vương, với các khối nhà công vụ, giảng đường và trường phổ thông chất lượng cao đào tạo từ bậc mầm non đến THPT.
 
Trường ĐH Hùng Vương và trường ĐH Thủ Dầu Một có nhiều nét tương đồng: cùng là đại học công lập trực thuộc tỉnh, được nâng cấp từ cao đẳng sư phạm, đều phát triển theo định hướng ứng dụng, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Vì vậy, trong thời gian tới, hai trường thống nhất sẽ đẩy nhanh các hợp tác đã ký kết trước đó để làm đòn bẩy và sợi dây liên kết các trường còn lại trong nhóm liên minh 5 trường. Cụ thể, sẽ triển khai ngay việc trao đổi sinh viên, công nhận các tín chỉ, học phần của chương trình đào tạo giữa hai trường, tổ chức tiếp nhận sinh viên của trường đối tác đến học tập, thực hành thực tế các học phần là thế mạnh của từng trường,…

Trao đổi về hình thức quản trị mới theo cơ chế hội đồng trường, trường ĐH Hùng Vương chia sẻ nhiều khó khăn thực tế mà trường đang gặp phải, như quyền hạn và trách nhiệm của hội đồng trường, mối quan hệ với chính quyền địa phương, lộ trình tự chủ,… Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện cơ chế hội đồng trường từ năm 2018, đến nay cơ cấu tổ chức của Trường ĐH Thủ Dầu Một đã ổn định và vận hành thông suốt. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, để làm được điều này đòi hỏi phải có sự thấu hiểu, đồng thuận của lãnh đạo tỉnh – cơ quan chủ quản, sự đoàn kết thống nhất giữa hội đồng trường và ban giám hiệu, uy tín trong quản lý và chuyên môn của những cá nhân đứng đầu hội đồng trường,… Đó chính là những điều kiện tiên quyết để giúp trường ĐH Thủ Dầu Một trở thành một trong số ít trường đại học đầu tiên vận hành thành công cơ chế hội đồng trường  theo đúng quy định của luật giáo dục mới ban hành.
 

ĐH Thái Nguyên là một trong ba đại học vùng tại Việt Nam, có lịch sử lâu đời và nhiều kinh nghiệm trong quản lý điều hành đại học hai cấp

Lãnh đạo hai đơn vị vui mừng vì nhiều nội dung hợp tác quan trọng được thống nhất


Tham quan khuôn  viên rộng 70 ha của trường ĐH Hùng Vương


Có sự tương đồng trong cơ chế quản lý và điều hành, trường ĐH Hùng Vương và trường ĐH Thủ Dầu Một sẽ đồng hành cùng nhau trong nhiều hoạt động đào tạo và NCKH

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Thủ Dầu Một và TS Hoàng Công Kiên - Hiệu trưởng trường ĐH Hùng Vương trao tặng nhau các biểu trưng văn hóa ý nghĩa của hai đơn vị
BBT

Bài đăng cùng danh mục

Đang tải...