ĐỀ ÁN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VỀ MIỀN ĐÔNG NAM BỘ

Nội dung của đề án

Để thực hiện mục tiêu (như trong mục III), căn cứ vào tiềm lực khoa học và thế mạnh của Trường Đại học Thủ Dầu Một, đề án nghiên cứu khoa học về miền Đông Nam Bộ sẽ thực hiện một số chương trình nghiên cứu trên 3 lĩnh vực chủ yếu trong định hướng ưu tiên phát triển bền vững của Việt Nam. Cụ thể như sau:

1. Chương trình kinh tế

Mục tiêu chương trình kinh tế

‒ Làm rõ các vấn đề về hiện trạng kinh tế, chất lượng tăng trưởng của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, những vấn đề về năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của các ngành, các địa phương ở Đông Nam Bộ.

‒ Cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn, các giải pháp phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ ở Đông Nam Bộ theo định hướng phát triển bền vững.

‒ Dự báo xu hướng phát triển của các ngành, các địa phương và khả năng tác động của các ngành kinh tế trên địa bàn Đông Nam Bộ đối với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Nội dung chương trình kinh tế

‒ Phân tích, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư và giải pháp phát huy hiệu quả của các nguồn đầu tư phát triển kinh tế xã hội ở Đông Nam Bộ.

‒ Phân tích, đánh giá tiềm năng và nguồn lực phát triển kinh tế ở Đông Nam Bộ; đánh giá hiện trạng sử dụng tài nguyên và các nguồn lực trong phát triển kinh tế ở Đông Nam Bộ và đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả.

‒ Đánh giá thực trạng phát triển bền vững kinh tế ở Đông Nam Bộ trên các phương diện: cơ cấu ngành nghề, thiết bị và công nghệ, tình hình phát triển công nghệ cao, công nghiệp môi trường.

‒ Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ để tăng năng xuất lao động ở các doanh nghiệp, các ngành, giải pháp nâng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, các ngành kinh tế.

‒ Nghiên cứu giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao ở các tỉnh Đông Nam Bộ; thực trạng và xu hướng phát triển các loại hình kinh tế ở Đông Nam Bộ.

‒ Thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế các ngành, các địa phương và giải pháp thúc đẩy chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở các ngành, các địa phương ở Đông Nam Bộ.

‒ Thị trường bất động sản và các giải pháp ổn định và phát triển thị trường bất động sản ở Đông Nam Bộ.

‒ Nghiên cứu giải pháp phát triển bền vững các địa phương và các vùng ở Đông Nam Bộ.

‒ Kinh tế khu vực phi chính thức và các giải pháp quản lý hiệu quả kinh tế khu vực kinh tế phi chính thức.

‒ Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp hội nhập kinh tế quốc tế của các địa phương, các ngành trên địa bàn Đông Nam Bộ.

2. Chương trình xã hội

Mục tiêu chương trình xã hội

‒ Nghiên cứu những vấn đề cơ bản, cấp thiết của các tỉnh Đông Nam Bộ trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế như: xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, biến động dân cư và chất lượng dân số, môi trường lao động, quá trình đô thị hóa - những vấn đề khoa học và thực tiễn....

‒ Cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định cơ chế, chính sách giải quyết các vấn đề xã hội của các địa phương, các ngành.

‒ Dự báo xu hướng chuyển biến xã hội, xu hướng phát triển đô thị trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Đông Nam Bộ.    

‒ Nghiên cứu về quy hoạch, kiến trúc và quản lý không gian đô thị và các vấn đề liên quan đến xây dựng nếp sống đô thị văn minh hiện đại và quản lý xã hội đô thị ở Đông Nam Bộ.

Nội dung chương trình xã hội

‒ Nghiên cứu thực trạng người nghèo và đề xuất giải pháp giảm nghèo bền vững ở các tỉnh Đông Nam Bộ.

‒ Nghiên cứu, đề xuất giải pháp thực hiện chính sách an sinh xã hội ở địa phương Đông Nam Bộ.

‒ Thực trạng vấn đề việc làm các khu vực nông thôn, đô thị ở Đông Nam Bộ và giải pháp tạo việc làm bền vững.

‒ Chất lượng dân số ở các tỉnh Đông Nam Bộ và giải pháp nâng cao chất lượng dân số cho các đia phương.

‒ Tình hình lao động nhập cư ở các tỉnh Đông Nam Bộ và các giải pháp quản lý lao động nhập cư hiệu quả.

‒ Thực trạng đội ngũ công nhân ở các tỉnh Đông Nam Bộ và các giải pháp nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân.

‒ Nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của công nhân ở Đông Nam Bộ, thực trạng và giải pháp.

‒ Vấn đề đạo đức và các tệ nạn xã hội trên địa bàn và các giải pháp giữ gìn an ninh trật tự ở các địa phương Đông Nam Bộ.

‒ Nghiên cứu đặc điểm, diện mạo nông thôn Đông Nam Bộ và các giải pháp phát triển nông thôn bền vững.

‒ Đánh giá thực trạng và đề xuất một số kiến nghị trong quy hoạch, kiến trúc và quản lý các khu đô thị mới xây dựng ở các tỉnh Đông Nam Bộ trong quá trình đô thị hóa.

‒ Nghiên cứu quy luật của quá trình đô thị hóa ở Đông Nam Bộ qua các lý thuyết đô thị hóa.

‒ Tình hình đô thị hóa tại các tỉnh Đông Nam Bộ và tác động của nó đến việc sử dụng đất đai, lao động, việc làm.

3. Chương trình giáo dục đào tạo

Mục tiêu chương trình giáo dục đào tạo

‒ Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo các bậc học, ngành học, nâng cao dân trí và trình độ nghề nghiệp thích hợp với sự phát triển của từng địa phương, từng ngành.

‒ Nghiên cứu, đề xuất giải pháp đổi mới quản lý giáo dục đào tạo ở các địa phương, các trường học.

Nội dung nghiên cứu chương trình giáo dục đào tạo

‒ Thực trạng đội ngũ giáo viên phổ thông ở các địa phương và giải pháp nâng cao chất lượng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo ở Đông Nam Bộ.

– Đổi mới dạy và học trong các trường học ở các tỉnh Đông Nam Bộ.  

– Hệ thống các loại hình trường học và giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

– Thực trạng phát triển các loại hình giáo dục ngoài công lập ở Đông Nam Bộ và giải pháp quản lý hiệu quả.

– Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao ở Đông Nam Bộ - thực trạng và giải pháp phát triển bền vững.

– Thực trạng phát triển các loại hình giáo dục có yếu tố nước ngoài ở các địa phương Đông Nam Bộ và giải pháp quản lý hiệu quả.

– Tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục đào tạo ở Đông Nam Bộ - thành tựu, thách thức và các bài học kinh nghiệm.

– Xã hội hóa giáo dục ở các địa phương Đông Nam Bộ - thành tựu và giải pháp phát triển.

4. Chương trình lịch sử - văn hóa

Mục tiêu chương trình lịch sử, văn hóa

Nghiên cứu quá trình phát triển của vùng đất, con người, quá trình phát triển và tổ chức, quản lý xã hội, hoạt động văn hóa của các tầng lớp nhân dân Đông Nam Bộ để đúc kết các bài học kinh nghiệm phục vụ công cuộc xây dựng các địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Nội dung chương trình lịch sử, văn hóa

– Nghiên cứu lịch sử vùng đất, con người, đặc trưng và các giá trị văn hóa ở miền Đông Nam Bộ trong tiến trình phát triển.

– Các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống ở Đông Nam Bộ - giá trị và giải pháp bảo tồn, phát huy.

– Làng nghề truyền thống ở Đông Nam Bộ - giá trị lịch sử, văn hóa và giải pháp bảo tồn.

‒ Văn hóa các dân tộc ít người ở Đông Nam Bộ trong quá trình công nghiệp hóa.

‒ Biến đổi xã hội và văn hóa ở các địa phương Đông Nam Bộ dưới tác động của công nghiệp hóa.

‒ Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phổ biến, nêu cao các giá trị lịch sử, văn hóa của miền Đông Nam Bộ ở trong và ngoài nước.

5. Chương trình môi trường

Mục tiêu chương trình môi trường

– Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn, đánh giá nguồn tài nguyên (đất, nước, khoáng sản), quan trắc chất lượng môi trường nước, không khí, đất tại các địa phương Đông Nam Bộ; giải pháp quản lý tài nguyên đất, nước, khoáng sản, chất thải độc hại; thực trạng và giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, khoáng sản.

– Nghiên cứu vấn đề ô nhiễm môi trường, các quá trình xử lý vật lý, hóa học và sinh học xử lý ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí; các quá trình xử lý vật lý, hóa học và sinh học xử lý ô nhiễm chất thải rắn, phân tích môi trường ở miền Đông Nam Bộ.

Nội dung chương trình môi trường

– Khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng tài nguyên đất và các giải pháp quản lý đất đai ở các tỉnh Đông Nam Bộ.

– Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với quá trình phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương Đông Nam Bộ.

‒ Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, vật liệu, năng lượng, sản xuất "sạch", công nghiệp "xanh".

– Khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng tài nguyên nước và các giải pháp quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước ở các tỉnh Đông Nam Bộ.

– Khảo sát, đánh giá hiện trạng và giải pháp khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản ở Đông Nam Bộ.

– Thực trạng và giải pháp quản lý chất thải ở các khu công nghiệp trên địa bàn Đông Nam Bộ.

– Nghiên cứu giải pháp khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường ở những khu vực ô nhiễm trên địa bàn Đông Nam Bộ.

– Thực trạng và giải pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường ở miền Đông Nam Bộ.

– Nghiên cứu, dự báo, đề xuất giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động, phòng chống thiên tai ở các tỉnh Đông Nam Bộ.